Nhãn hiệu và tên thương mại là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau về bản chất nhưng vẫn thường bị nhầm lẫn bởi sự giống nhau về mặt hình thức.
Hình thức thể hiện là điểm khác biệt cơ bản |
Nhãn hiệu theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (LSHTT) là “dấu hiệu” dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. “Dấu hiệu” này có thể là chữ cái, từ ngữ hoặc hình ảnh,…
Tên thương mại theo quy định của LSHTT lại là “tên gọi” của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh trong cùng khu vực và lĩnh vực kinh doanh.
Như vậy, theo hai định nghĩa trên, có thể thấy khác biệt cơ bản của nhãn hiệu và tên thương mại là hình thức thể hiện. Trong khi nhãn hiệu thể hiện ra bên ngoài bằng “dấu hiệu” thì tên thương mại lại thể hiện bằng “tên gọi”. Tuy vậy, vì “dấu hiệu” của nhãn hiệu có thể là chữ cái, từ ngữ nên có thể bị nhầm lẫn với “tên gọi” của tên thương mại.
Cũng theo quy định của LSHTT, nhãn hiệu muốn được bảo hộ thì điều kiện tiên quyết là phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền;
Trong khi đó, tên thương mại nếu có đủ điều kiện bảo hộ theo luật định là “có khả năng phân biệt” được chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác trong cùng khu vực và lĩnh vực kinh doanh thì mặc nhiên được bảo hộ mà không cần phải đăng ký.
Hãy xét qua một ví dụ để có cái nhìn rõ hơn về hai đối tượng này:
Công ty TNHH X có sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước uống đóng chai, trên bao bì của chai nước có thể hiện chữ X được cách điệu và có màu xanh (giả định trong khu vực kinh doanh của X và trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai không có công ty nào tên X).
Theo như những phân tích ở trên, có thể dễ dàng chỉ ra rằng “Công ty TNHH X” là tên thương mại, tên này được mặc nhiên bảo hộ. Chữ X được cách điệu cà có màu xanh là nhãn hiệu của Công ty TNHH X, để được sở hữu nhãn hiệu “X”, Công ty TNHH X phải đăng ký bảo hộ cho “X”. “X” chỉ được bảo hộ nếu đạt đủ các yêu cầu về tính phân biệt theo quy định của LSHTT.
Nhãn hiệu và tên thương mại nói chung đều là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, hay nói rộng hơn là quyền sở hữu trí tuệ. Sở hữu những đối tượng này tức là nắm trong tay quyền về sở hữu trí tuệ. Tuy vậy, đối với mỗi đối tượng khác nhau, cách thể hiện quyền cũng khác nhau, do đó cần thiết phân biệt hai đối tượng này để việc xác lập và sử dụng quyền được hiệu quả nhất.
Theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Post a Comment