Trong khi lượng trái cây nhập khẩu từ Mỹ vào thị trường Việt Nam không đáng kể thì lượng hàng Trung Quốc lại được nhập với số lượng lớn và bán tràn lan với mức giá rẻ.
“Trong tương lai, táo Trung Quốc sẽ giảm dần”
Theo tài liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (US International Trade Commission), Trung Quốc đang vượt mặt Hoa Kỳ tại thị trường trái cây nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong khi lượng trái cây được nhập khẩu từ phương Tây vào Việt Nam không đáng kể thì Trung Quốc lại đang dẫn đầu về sản phẩm táo giá rẻ.
Ước tính từ năm 2008 - 2010, giá trị xuất khẩu táo Trung Quốc vào Việt Nam đạt 53 triệu USD, trong khi táo Mỹ đạt 8 triệu USD. Trong năm 2012, Trung Quốc xuất khẩu 547.000 tấn trái cây vào Việt Nam và nhập khẩu 954.900 tấn từ Việt Nam, tăng 6,71% và 11,16 % so với số liệu thống kê năm 2011.
Lý giải về sự khác biệt này, trong lễ hội táo Washington 2013, ông Francis Lee, Trưởng đại diện Hiệp hội Táo Washington tại Việt Nam cho biết: Hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam từ 2008 (tức là trước khi Việt Nam gia nhập WTO). Táo Mỹ nhập về Việt Nam phải chịu mức thuế 25%, cộng thêm 5% thuế VAT, trong khi, táo Trung Quốc có hiệp định thương mại với Asean nên chỉ phải đóng thuế 5%.
Ông Francis Lee, Trưởng đại diện Hiệp hội Táo Washington tại Việt Nam (đứng bên phải) giải thích: Sở dĩ táo Trung Quốc nhập vào Việt Nam nhiều hơn táo Mỹ là bởi khâu vận chuyển dễ dàng hơn, Trung Quốc chịu mức thuế thấp hơn.
|
Ngoài ra, Trung Quốc rất gần Việt Nam, việc xuất khẩu hàng ngày trở nên dễ dàng hơn, vận chuyển cũng nhanh hơn, còn Mỹ phải đưa táo từ Đông Bắc Hoa Kỳ bằng tàu hỏa về Tp.HCM qua các khâu trung chuyển, thời gian sẽ kéo dài hơn.
Chính vì lý do đó, “số lượng táo của Trung Quốc nhập về Việt Nam chắc chắn sẽ nhiều hơn táo Mỹ” – ông Francis Lee nói.
Đứng ở góc độ của đơn vị quản lý nhà nước, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Sơn Hà, đại diện Cục bảo vệ Thực vật lý giải: Táo Trung Quốc đã gia nhập thị trường Việt Nam từ rất lâu rồi, trong khi đó, táo Mỹ mới bắt đầu nở rộ trong thời gian mấy năm gần đây.
Hơn nữa, giá cả 2 loại mặt hàng này cũng khác nhau. Khi mức thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp, nhiều người chỉ đạt mức lương 2 triệu đồng/tháng, nhu cầu tiêu thụ táo Trung Quốc sẽ nhiều bởi giá rẻ hơn so với táo cao cấp xuất xứ từ Mỹ.
Tuy nhiên, ông Hà cũng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, táo Trung Quốc sẽ giảm dần vì người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, biết cách lựa chọn các sản phẩm tốt nhất. Bởi thi thoảng, chúng tôi vẫn phát hiện ra các mẫu táo tươi Trung Quốc vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép, nguy cơ ngộ độc sẽ không tránh khỏi, trong khi, táo Mỹ thì rất an toàn”.
Phân biệt táo Mỹ và táo Trung Quốc: Không khó!
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hằng trăm nghìn tấn táo từ Trung Quốc, trong đó táo hồng được khá ưa chuộng vì mẫu mã đẹp và có hương thơm. Tuy nhiên, đây cũng là loại trái cây được cho là “phun” nhiều thuốc bảo quản.
Cuối năm 2012, Cục Bảo vệ Thực vật đã tiến hành kiểm định táo trên thị trường, kết quả cho thấy, khoảng 30% mẫu chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mới đây, tháng 11/2013, sau khi kiểm tra 74 mẫu, cơ quan này lại tiếp tục phát hiện 2 mẫu hồng và táo có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Hồi tháng 6 năm ngoái, báo chí Trung Quốc đã đưa tin thương hiệu táo nổi tiếng Hồng Phú Sĩ của Trung Quốc sử dụng túi tẩm thuốc sâu để bọc táo từ nhỏ cho tới lúc táo chín. Những hóa chất này là hiểm học đối với người sử dụng. Ngay sau đó, người dân nước này đã bày tỏ sự phản đối và e dè với các loại táo có mẫu mã đẹp, bắt mắt.
Táo Fuji của Trung Quốc màu hồng, quả tròn còn Fuji của Mỹ có màu đỏ với các chấm đỏ hồng tới đỏ đậm.
|
Tại Việt Nam, không ít người bán hàng vì lợi nhuận đã cố tình nói sai nguồn gốc khi gắn thêm mác Mỹ, NewZealand, Úc... cho các loại táo Trung Quốc này.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Kleve (nhập khẩu trực tiếp và là hệ thống bán lẻ hàng đầu về các sản phẩm trái cây tươi nhập khẩu chính thức từ các thị trường Mỹ, Canada, Úc và New Zealand) – nhận xét: “Khách hàng Việt Nam đa phần còn chưa có các kiến thức cơ bản để phân biệt được các loại táo, giống táo và chính vì vậy, một phần lớn người tiêu dùng, cơ quan báo chí truyền thông hiện nay vẫn còn khá băn khoăn với các câu hỏi: táo nào là táo Mỹ thật?”.
Ông Hải cho hay: Cách phân biệt, nhận biết tốt nhất cho người tiêu dùng để có sự lựa chọn an toàn đối với các loại táo là so sánh hình dáng và màu sắc. Sự phân biệt này cũng không quá khó vì táo Mỹ có những đặc điểm riêng và cũng chỉ có một số loại nhất định.
Theo đó, táo Trung Quốc quả thường tròn, được bọc trong lưới xốp (lưu ý khi bóc lưới xốp ra thấy rất nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả, đó là do hóa chất bảo quản vỏ bị bay hơi). Còn táo New Zealand, Mỹ thì hình dáng hơi vuông (có góc cạnh), cao thành.
“Đặc biệt, ở Trung Quốc chỉ tiêu thụ một loại táo duy nhất – đó là táo Fuji Trung Quốc. Táo này hoàn toàn khác với trái táo Fuji của Mỹ. Táo Fuji của Trung Quốc màu hồng còn táo trồng tại tiểu bang Washington (nơi sản xuất 50% táo tươi cung cấp cho thị trường nội địa Hoa Kỳ và 90% cho thị trường xuất khẩu), có màu đỏ với các chấm đỏ hồng tới đỏ đậm. Táo đặc biệt giòn, nhiều nước với vị ngọt rất ấn tượng” - ông Francis Lee, Trưởng đại diện Hiệp hội Táo Washington tại Việt Nam nêu bật đặc điểm nhận dạng.
Hiện nay, tại Việt Nam đang tiêu thụ 6 loại táo Mỹ phổ biến đó là: táo Ambrosia Mỹ (quả to, dài, có màu đỏ xen lẫn vàng kem, ngọt, giòn và rất thơm); Táo Fuji Mỹ (Quả màu đỏ với các chấm đỏ hồng tới đỏ đậm); Táo Xanh Mỹ (Quả màu xanh lá, vị chua đậm, rất giòn, nhiều nước); Táo Gala (Sọc hồng cam trên nền vàng, khá giòn và ngọt); Táo Red Delicious (quả màu đỏ rực như lửa, hình trái tim); Táo vàng – Golden Delicious (màu vàng nhạt). Trong đó, táo Gala được ưa chuộng và có sức mua nhiều nhất.
Theo Soha
0 nhận xét:
Post a Comment