Video Studio

Feb 28, 2014

Công nghiệp ô tô Campuchia vượt đàn anh Việt Nam

TS Alan Phan: Campuchia đã làm được điều Việt Nam đang mơ
"Chiếc Angkor EV cho thấy một hình ảnh khá tốt đẹp cho nền kinh tế tương lai của Campuchia", TS Alan Phan nhận định.
Campuchia vượt Việt Nam trong thời gian ngắn
Theo ông, thì dù đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ của một doanh nghiệp (tư nhân), nhưng nếu nhân rộng được khắp xứ, Campuchia đã làm được điều mà Việt Nam đang mơ.
Với dân số ít ỏi, một cơ chế thoáng và một nền kinh tế trong đó sự liên thông với toàn cầu bắt đầu mọc rễ, người dân Campuchia sẽ có một GNI mỗi đầu người vượt mặt đàn anh Việt Nam trong thời gian ngắn.
Bởi chính bản thân ông vẫn ngạc nhiên trước sự hoàn thành chiếc xe Angkor EV của Campuchia. Chiếc xe bán với giá 5 ngàn USD tức là giá sản xuất khoảng chừng 4 ngàn USD hay thấp hơn. Giá rất sát với những hãng xe sản xuất theo dây chuyền dù các công ty lớn có lợi thế về giá mua linh kiện rẻ và những yếu tố nội tại nhờ tổ chức toàn cầu.
Chiếc xe "Angkor EV 2014" tại buổi lễ ra mắt ở tỉnh Kandal
Điều này có nghĩa là năng suất lao động và khả năng quản trị của công ty Heng (Campuchia) không thua kém những đống nghiệp trên thế giới lắm.
Ông nhận định: "Khi chúng tôi muốn đầu tư vào Campuchia, những nhân viên của quỹ Viasa đã báo cáo trong một khảo sát tại chỗ là lao động và quản trị của Campuchia là ác mộng. Có lẽ họ đã sai và hời hợt trong việc đánh giá".
Bởi theo ông, việc ráp xe tuỳ thuộc rất nhiều vào giá và lượng tồn kho của số linh kiện cần cho chiếc xe. Vì Angkor EV là chiếc xe chạy bằng điện, các linh kiện này phải hiện đại và đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế.
Giá thành sản xuất trên cũng cho thấy phí bôi trơn tại Campuchia không trên 5%; quá lý tưởng cho những món hàng tiêu dùng và phổ thông. Những đồn đại về tham nhũng của quan chức Campuchia có lẽ đã được thổi phồng quá mức.
Sau cùng, với giá bán phải chăng và một hệ thống kinh tế khá liên thông và cởi mở, công ty Heng có thể xuất khẩu một số lượng đáng kể trên thị trường thế giới, nhất là các nước Á Phi nghèo.
Việt Nam đặt bằng cấp cao hơn năng lực thì...
Trong khi Campuchia có ô tô điều khiển bằng Smartphone, tại Việt Nam thời gian vừa qua Madaz rồi đến Ford đã từ bỏ những dự án từ 700 triệu đến 1 tỷ USD sản xuất ô tô ở Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa.
Các dự án đó được chuyển sang các nước lấn cận sản xuất rồi nhập khẩu xe về Việt Nam với giá đắt.
Theo thống kê cho thấy, Việt Nam hiện mới chỉ 210 doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp phụ trợ ô tô và chủ yếu sản xuất các loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp, như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa...
Độc giả Thanh Tú bức xúc: "Việt Nam ta không sản xuất được bu lông ốc vít, dây điện thì ta đi nhập lo gì, còn GS.TS của ta thì sáng cắp ô đi, tối mang ô về, sống chết mặc bay, tiền lương thì cứ đút túi, chẳng cần nghiên cứu mệt óc”.
Việt Nam cần thay đổi để tránh thua kém nước bạn
Việt Nam cần thay đổi để tránh thua kém nước bạn
Bạn có tên Khánh cũng phân tích: "Theo tôi cái chính là vì chúng ta quá coi nặng bằng cấp, mà chưa coi trọng năng lực làm việc thực sự. Cái năng lực làm việc thực sự thì mới là cái nền để phát triển được. Chúng ta cứ nhìn vô cái bằng, rồi kết luận luôn cái năng lực làm việc, thế nên dẫn tới cái việc rộ lên phong trào cơ quan nhà nước, trường học chỉ tuyển bằng chính quy, ghẻ lạnh bằng tại chức, muốn lên chức phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ.
Tóm lại, bằng cấp, học vị càng cao là được chú ý trong việc bổ nhiệm, phân công công tác, mà chả mấy khi chú ý đến năng lực làm việc, năng lực thực thực hành, tác nghiệp - cái đó mới quan trọng".
Bên cạnh đó, độc giả này cũng cho biết thêm: "Nên khuyến khích, phát hiện, hỗ trợ, đầu tư thích đáng cho việc xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa, học công nghệ, phát hiện,đầu tư và định hướng kịp thời những công trình nghiên cứu mang tính đột phá vậy mới mong mình ko thua các nước bạn".
Đồng tình với quan điểm, độc giả Hoàng Long cho hay: "Cũng phải thôi, bởi Việt Nam ta chỉ mua bán chứng chỉ TS, chứ có đào tạo bài bản đâu. TS giấy, họ không góp phần vào sự phát triển đất nước, mà kìm hãm, cản trở sự phát triển".
Nên theo độc giả Quang Sơn thì sự đố kỵ cộng với sự bảo thủ sẽ phá hoại cả một nền công nghiệp ô tô, thiệt hại cuối cùng là người tiêu dùng khó có thể tiếp cận được ô tô giá rẻ ngang bằng các nước như Lào, Campuchia.
Thái Linh/ datviet.vn

0 nhận xét:

Post a Comment