Video Studio

Mar 8, 2014

Khác nhau giữa Kinh tế học thực chứng và Kinh tế học chuẩn tắc

Kinh tế học thực chứng nghiên cứu mục đích hay những lý giải khoa học về cách vận hành của nền kinh tế. Kinh tế học chuẩn tắc đưa ra những khuyến nghị dựa trên những nhận định mang giá trị cá nhân.

kinh te hoc thuc chung kinh te hoc chuan tac
Trong nghiên cứu Kinh tế học, cần phân biệt giữa Kinh tế học chuẩn tắc và Kinh tế học thực chứng.

Mục tiêu của Kinh tế học thực chứng là phân tích xem xã hội ra quyết định như thế nào về tiêu dùng, sản xuất và trao đổi hàng hóa. Nó vừa có mục đích giải thích nguyên nhân hoạt động của nền kinh tế vừa cho phép dự báo về cách phản ứng của nền kinh tế trước những biến động. Trongkinh tế học thực chứng, chúng ta hành động như những nhà khoa học khách quan. Bất kể quan điểm chính trị hay giá trị văn hóa của chúng ta là gì, chúng ta xem xét thế giới thực sự hoạt động như thế nào. Ở giai đoạn này, không có chỗ cho những nhận định mang giá trị cá nhân. Chúng ta xem xét những luận điểm dưới dạng: nếu điều này thay đổi thì điều kia sẽ xảy ra. Về mặt này, kinh tế học thực chứng giống như những môn khoa học tự nhiên (vật lý, địa chất học hay thiên văn học).

  
Các nhà kinh tế học với các quan điểm chính trị hoàn toàn khác nhau đều đồng ý rằng khi chính phủ áp đặt thuế đối với một loại hàng hóa, giá của hàng hóa đó sẽ tăng lên. Câu hỏi chuẩn tắc liên quan đến việc giá cả tăng lên có tốt hay không là một vấn đề hoàn toàn khác.
Cũng giống như bất kỳ một môn khoa học nào khác, nó cũng có những câu hỏi chưa giải đáp được, còn có nhiều bất đồng. Những bất đồng này chính là những thách thức đặt ra cho kinh tế học thực chứng. Quá trình nghiên cứu sẽ giải đáp một số các vấn đề này nhưng những vấn đề mới lại phát sinh, cung cấp hướng cho các nghiên cứu mới.

Việc nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về nguyên tắc có thể giải đáp nhiều vấn đề còn tốn động trong kinh tế học thực chứng. Không thể có những nghiên cứu đó về giải pháp cho những vấn đề trong kinh tế học chuẩn tắc. Kinh tế học chuẩn tắc dựa trên những nhận định mang tính giá trị chủ quan chứ không dựa vào nghiên cứu về sự thực khách quan.

Phát biểu sau đây kết hợp kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc: “Những người cao tuổi có chi phí chăm sóc y tế rất cao và chính phủ nên trợ cấp cho họ”. Phần thứ nhất của luận điểm trên là nhận định trong kinh tế học thực chứng. Nó là một nhận định về sự vận động của thế giới thực. Chúng ta có thể hình dung được một chương trình nghiên cứu để xác định nhận định đó có chính xác không.
Phần thứ hai của luận điểm này – đề xuất chính phủ nên làm gì – không thể chứng minh được là đúng hay sai bằng bất cứ điều tra nghiên cứu khoa học nào. Nó là một nhân định mang giá trị chủ quan dựa trên cảm giác của người đưa ra nhận định đó. Nhiều người có thể có cùng nhận định chủ quan này. Những người khác có thể phản đối một cách hợp lý. Bạn có thể cho rằng tốt hơn là chuyển nguồn lực khan hiếm của xã hội sang việc cải thiện môi trường hơn là để chăm sóc sức khỏe cho người đã có tuổi.

Kinh tế học không thể chỉ ra nhận định này của kinh tế học chuẩn tắc là đúng và nhận định kia là sai. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích hay các ưu tiên của cá nhân hay xã hội đưa ra sự lựa chọn. Nhưng chúng ta có thể sử dụng kinh tế học thực chứng để chỉ rõ một danh mục các lựa chọn mà từ đó xã hội phải đưa ra sự lựa chọn chuẩn tắc của mình.

Hầu hết các nhà kinh tế đều có quan điểm chuẩn tắc. Một số nhà kinh tế nổi tiếng về những khuyến nghị chuẩn tắc nhất định. Tuy nhiên, vai trò ủng hộ này về việc xã hội nên làm gì cần phải được phân biệt rõ ràng với vai trò của nhà kinh tế là một chuyên gia về các kết cục của việc thực hiện một hành động. Trong vai trò sau, nhà kinh tế chuyên nghiệp đưa ra lời khuyên chuyên môn dựa trên kinh tế học thực chứng. Các nhà kinh tế thận trọng thường phân biệt rạch ròi giữa vai trò là một nhà tư vấn chuyên môn trên phương diện kinh tế học thực chứng với việc học là một công dân đang ủng hộ cho những lựa chọn chuẩn tắc nhất định.

Theo David Begg, Stanley Fischer, Rudiger Dornbusch. Kinh tế học. McGraw-Hill. Tái bản lần thứ 8. Bản dịch tiếng Việt. Nhà Xuất Bản Thống Kê. Hà Nội. 2008.

0 nhận xét:

Post a Comment