Video Studio

Feb 22, 2014

Sự khác nhau giữa con trai miền Bắc và trai miền Nam

Tôi thường nghe những lời tâm sự của ba. Tôi hỏi ba tại sao ba lại cưới mẹ và tại sao lại chọn cuộc sống ở miền Nam tổ quốc. Ba mỉm cười vì ba biết, ba đã chạy theo một tình yêu trong trẻo dành cho mẹ. 

Khi còn lạ một cậu con trai, ba lúc lúc ấy cảm thấy thật bất công và tội nghiệp cho những người phụ nữ sống trên chính quê hương của ba. Chị dâu của ba, tức là mợ của tôi (theo cách gọi của người miền Nam), và gọi là bác (theo cách gọi của người miền Bắc). Ba tôi cảm thấy ngạc nhiên vì tại sao mợ và các con của mợ không được phép ăn chung bàn cùng với ba và ông nội. Chỉ vì mợ đã sinh toàn con gái. Bao gánh nặng sinh con trai và giữ hương quả cho dòng họ đặt lên đôi vai của ba. Ba cảm thấy không hài lòng và cũng không đồng tình ủng hộ việc phân biệt con trai con gái, cũng như quá đặt nặng vấn đề là ba phải có cháu trai cho ông nội, bằng mọi cách.  

Thậm chí, ông nội còn gợi ý chuyện tày đình rằng: nếu vợ không sinh được con trai, thì chắc phải tìm cách ngoài luồng mà kiếm cháu trai cho ông. 

Tốt nghiệp kỹ sư trường Đại học Hải Phòng, ông nội giục ba về nhà lấy vợ gấp. Ba nghe tin ông nội sắp xếp chuyện cưới hỏi với cô gái cùng quê - bạn từ cái thời xa lắc, xa lơ, cái thời mà còn chạy long nhong tắm mưa. Ba sợ quá, thế là ba trốn ông chạy vào Nam tìm việc và sinh sống.  

Thời đó, công việc cũng nhiều nhưng ba cũng không tìm được công việc tốt, vì cái thời của 30 năm trước, thì quan niệm và sự phân biệt vùng miền vẫn còn khắc khe quá. Rồi ba gặp mẹ - một cô gái miền Tây hiền hậu, đảm đang và cá tính. Ngày ba viết thư báo với ông bà rằng ba muốn cưới mẹ, Ông bà nội đã phản đối quyết liệt bảo: Cưới vợ cùng quê không chịu cưới, chạy tít vào miền Nam cưới con vợ vừa xấu vừa dữ. 

Ông bà nội chưa bao giờ gặp mặt mẹ, cũng chưa bao giờ trò chuyện với mẹ, sao lại nghĩ mẹ dữ. Mẹ hiền hậu, dễ thương và cá tính. Thế là ngày cưới của ba mẹ, ông bà nội không vào miền Nam làm lễ cưới cho ba, và cũng không ủng hộ về tài chính. Vì lý do, ba chọn được thì ba hãy tự sống và yêu thương người mà ba yêu. Ngày cưới, bà ngoại vất vả chạy đôn chạy đáo để thay cả họ nhà trai lo đám cưới cho con gái và con rể của mình. Hồi đó ngoại cũng vất vả và khổ tâm thật. Cũng tội nghiệp mẹ vì thương ba mà chịu bao nhiêu là thiệt thòi. 

Anh hai ra đời, ba báo tin cho ông bà nội biết, cả nhà nội lúc ấy vui như có hội. Nào là khen ba giỏi, nào là khen mẹ ngoan. Mọi thứ như quay ngược 180 độ. 

Nhỏ bạn thân tâm sự với tôi:  
- Tớ nghĩ cậu không làm dâu miền Bắc nổi đâu. Con gái miền Bắc thích cưới con trai miền Nam vì trong Nam cuộc sống dễ dàng và cũng không khắt khe như ở quê tớ. Tớ nghĩ với cá tính mạnh mẽ này của cậu, thì sau ba hôm chắc là mẹ chồng nàng dâu sẽ có cuộc nội chiến dài hạn. 

Tôi cũng chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ ra miền Bắc để sống, vì trong của tôi, con trai miền Bắc thật gia trưởng. Tôi nhận ra rằng quan niệm sinh con trai cho dòng họ còn quá nặng nề trong lòng các cô gái cũng như trong lòng những chàng trai gốc Bắc. 

Thằng bạn thân trong nhóm của tôi, sau gần 4 năm làm bạn, nó cũng có một người yêu xinh đẹp, hiền hậu và giỏi giang. Tôi hỏi thằng bạn: 
- Cậu có phải là cháu đức tôn không? 
- Có, nó đáp. 
- Vậy cậu muốn sau này sẽ có con trai? 
- Có, nên có một trai, một gái. 
- Nếu cậu có 2 người con gái thì sao? 
- Chắc là tớ sẽ phải tìm con ngoài luồng. 
- Vợ hai, vợ ba à? 
- Nếu vợ hai không có con trai, chắc tớ sẽ tìm bà ba để kiếm con trai… 

Thế còn con gái Miền Nam sao lại có biệt danh là dữ? 
Tụi con trai miền Bắc trả lời: Vì không nghe lời chồng, vì họ độc lập về kinh tế và chẳng chịu thiệt thòi, chẳng chịu để cho chồng lăng nhăng khi mà họ không sinh được con trai cho dòng họ. 

Con gái miền Nam cảm thấy hết thuốc chữa con trai miền Bắc, vừa cổ hủ, lại gia trưởng và tôn thờ cái cách nghĩ không chung thủy. Họ cho rằng bản thân họ có quyền không chung thủy với vợ chỉ vì vợ không sinh ra được cháu trai nối dõi cho dòng họ. Như vậy, con trai miền Bắc đã cố tình xâm phạm quyền bình đẳng giới, vi phạm luật hôn nhân gia đình mà lại lấy cái cớ là trách nhiệm với dòng họ. Con gái miền Nam mạnh mẽ, độc lập, và nhận ra sự vi phạm pháp luật này nên lên tiếng bảo vệ những người phụ nữ, và bảo vệ quyền bình đẳng giới.  

Phụ nữ miền Bắc đảm đang, thiệt thòi, chịu thương chịu khó, nhưng vẫn sống áp lực, và những gian khổ vẫn đè lên vai gầy những người phụ nữ miền Bắc lam lũ với ruộng đồng và họ chấp nhận nhiều đau khổ do chính người chồng họ yêu thương gây ra. Họ tần tảo một nắng hai sương chỉ để lo cho chồng con. Họ có quyền nói lên suy nghĩ của họ về bình đẳng giới cũng như tiếng nói của người phụ nữ trong một gia đình phải được trân trọng. 

Ngày hôm nay, tôi đang đứng ở sân ga chuẩn bị về quê thăm quê nội. Tôi cũng bắt gặp những người phụ nữ miền Bắc tay xách nách mang hành lý vào Nam lập nghiệp. Một thực tế cho thấy, không nhiều người miền Nam ra Bắc lập nghiệp. Như một dòng xuôi của cuộc sống, nơi nào dễ sinh sống và làm cho con người cảm thấy thoải mái và cảm thấy hạnh phúc thì người ta sẽ đổ dồn về nơi đó để tìm cuộc sống hạnh phúc hơ

Bài viết: con trai miền bắc và con gái miên Tây. 

Nguồn http://me.zing.vnZing Blog

0 nhận xét:

Post a Comment